CHU TRÌNH CYCLE LÀ GÌ? TẠI SAO PHẢI CYCLE cho bể cá biển

Cá sống trong nước, cho ra chất thải vào nước, tạo thành ammonia (rất độc). Vậy tại sao cá vẫn sống khoẻ? Đó là nhờ vào hệ thống vi sinh hấp thu, chuyển hoá ammonia (NH3), nitrite (NO2).

Vậy, cycle là tạo lập hệ thống vi sinh, giúp xử lý nhanh NH3, NO2 trả lại môi trường trong lành cho các cư dân trong hồ.
Đối với hồ mới, vật liệu lọc mới, đá chết thì việc cycle là bắt buộc.

– Nếu không cycle hồ mới có được không?

Được, nhiều năm trước đây người ta dùng đá sống từ biển (đã có sẵn vi sinh trú ngụ) để set up hồ mà không cần cycle. Nhưng việc đá sống phải giữ ẩm hoặc có nước (giúp vi sinh tồn tại) nên việc dán đá tạo dáng layout khó khăn. Mặt khác, việc dùng đá sống lấy từ biển cũng mang theo những sinh vật gây hại như: Ký sinh, vi khuẩn gây bệnh, aiptasia …Lưu ý nếu dùng đá sống nên dùng đá sống tím khai thác chỗ nước sâu như hình dưới, không nên chọn đá sống bùn gần bờ rất bẩn
Đá sống

– Chu kỳ cycle, cách và cách nhận biết hồ đã hoàn thành cycle.

Để chuẩm bị cycle, trước tiên ta tính thể tích hồ + sump. Chọn loại vi sinh đa chủng, bao gồm hiếu khí và kỵ khí. Châm theo hướng dẫn sử dụng ngay từ ngày đầu (có thể x2 hoặc x3 liều dùng để đẩy nhanh cycle).
Thông thường chu kỳ cycle kéo dài khoảng 3-4 tuần (xem hình). Nhưng tuỳ theo điều kiện, loại vi sinh, liều dùng … chu kỳ có thể được rút ngắn.
Thức ăn thừa, chất thải cá … sẽ sinh ra ammonia (NH3) rất độc. Mặc dù hồ mới không có thức ăn thừa, chất thải cá, nhưng các chất bẩn, xác sinh vật chết … trong đá (layout) sẽ sinh ra NH3 và nó sẽ được vi khuẩn Nitrosomonas (hiếu khí) hấp thu, dùng oxy để chuyển hoá sang nitrite (NO2) ít độc hơn. Tiếp theo người anh em song sinh là vi khuẩn Nitrobacter (hiếu khí) sẽ có nhiệm vụ chuyển hoá nitrite (NO2) thành nitrate (NO3, PO4 đã được nói rõ ở phần trước). Link: https://sohaaqua.com/no3-po4-den-tu-dau-ban-hay-thu-cach-xu-ly.html
Theo biểu đồ cycle bình thường (nguồn fishlab.com). Ngay từ ngày đầu tiên, NH3 bắt đầu xuất hiện. Ngày 8 khi hệ thống vi sinh bắt đầu hấp thu, chuyển hoá thì NO2 xuất hiện. Do hệ vi sinh yếu ớt nên NH3 vẫn tiếp tục tăng cao đến đỉnh vào ngày 10. Sau đó giảm dần và được chuyển hoá hoàn toàn vào ngày 16. Từ ngày 8 vi khuẩn Nitrobacter xử lý NO2 và kết thúc cycle vào ngày 28.
Để nhận biết hồ đã hoàn thành cycle, nên test NH3 và NO2 mỗi tuần cho đến khi kết quả cả 2 bằng 0.
Nên tiếp tục kiểm tra, tăng cường sức mạnh cho hệ thống vi sinh lần nữa bằng cách lấy thịt vài con tôm tươi (tùy thể tích hồ) đã lột vỏ, bỏ vào túi lưới, cho vào hồ (vớt bỏ sau 2 ngày) và châm thêm vi sinh. Test 2 lần cách nhau 24h. Nếu NH3, NO2=0 có nghĩa là hồ đã sẵn sàng cho cá vào.
Việc cung cấp NH3 (thịt tôm tươi) là đồng nghĩa với việc cung cấp thức ăn, kiểm tra, tăng cường sức mạnh cho hệ vi sinh. Trong lần kiểm tra sau, cho thấy vi sinh hấp thu, chuyển hoá nhanh hơn nhiều so với chu kỳ cycle ban đầu.
Nhưng nên nhớ rằng hệ vi sinh hãy còn rất non yếu. Vậy, lời khuyên là nên thả mỗi lần 1-2 con cá (tuỳ thể tích hồ) cách nhau 5-7 ngày. Tuyệt đối không thả cá nhiều cùng lúc.
Đây là môn chơi tao nhã và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta có đầy đủ thông tin, công cụ để kiểm tra cycle. Kiểm tra rồi, thả cá là chắc sống.
Vì vậy, điều tuyệt đối là không cổ súy, theo phong trào thả cá test nước xem cycle xong chưa, rất dã man và phản cảm.
Cám ơn mọi người đã đọc. Chúc anh em cuối tuần thật vui.
Tác giả: Hoàng Đế

Tin Liên Quan